Huyện Long Phú hiện có 61 tổ hòa giải, với 340 hòa giải viên cơ sở, mỗi tổ hòa giải có 05 thành viên, chủ yếu là Trưởng, Phó Ban Nhân dân, các đoàn thể và người có uy tín trong ấp. Một trong những giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở là chú trọng lựa chọn, xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ khả năng, kiến thức, năng lực đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải. Do đó, đội ngũ hòa giải viên hầu hết là những cán bộ hưu trí am hiểu về pháp luật. Trong đó, chú trọng lựa chọn những người có uy tín, Trưởng, phó ban nhân dân, tổ trưởng dân phố, người được Nhân dân tin tưởng để làm hòa giải viên. Cùng với đó, huyện Long Phú chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở thông qua các lớp tập huấn, Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải, phát các tài liệu, sách, báo, sổ tay hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên; thường xuyên tổ chức các cuộc Hội nghị, tọa đàm để đội ngũ hòa giải viên tại các tổ hòa giải có nơi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; chú trọng củng cố, kiện toàn số lượng, thành phần mỗi tổ hòa giải theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, huyện Long Phú còn tăng cường đăng tải các tài liệu, các ấn phẩm về Luật hòa giải ở cơ sở trên cổng thông tin điện tử huyện, để khi cần hòa giải viên có thể truy cập, tìm hiểu, tuyên truyền trên loa phát thanh của 61 cụm loa ở 61 ấp.
Chú thích ảnh: Lớp tập huấn cho đối tượng hòa giải viên cơ sở.
Phòng Tư Pháp phối hợp với Sở Tư Pháp, Hội Luật gia tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các văn bản vi phạm pháp luật tại các xã, Trường Khánh, Song Phụng, Châu Khánh, thị trấn Đại Ngãi với gần 260 lượt người tham gia. Phối hợp với Trung tâm trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Sóc Trăng – Chi nhánh số 3 thực hiện tuyên truyền trợ giúp pháp lý tại 07 xã, cho gần 250 lượt người tham gia, cấp phát gần 250 sổ tay Pháp luật. Cũng trong năm 2019, các thành viên Hội đồng và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tập trung vào các nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; tổ chức đoàn thể, học sinh, các chức sắc, tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số; người lao động tại các doanh nghiệp, người khuyết tật, nạn nhân của bạo lực gia đình, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn và người dân nông thôn được 854 cuộc, có 54.512 lượt người tham dự, với các hình thức tuyên truyền như : Tổ chức các Hội nghị, các lớp tập huấn, phổ biến, triển khai, tuyên truyền miệng thông qua các cuộc hợp cơ quan, họp tổ, nhóm, đoàn, chi hội, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền qua sóng phát thanh, tuyên truyền bằng băng rôn, pano, tổ chức các buổi sinh hoạt các câu lạc bộ, tuyên truyền bằng xe phóng thanh … Qua đó, năng lực của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở được nâng cao, góp phần giải quyết, hòa giải thành công các vụ, việc liên quan tới các lĩnh vực như, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn ở cơ sở …
Thị trấn Long Phú là một trong những đơn vị tiêu biểu trong công tác hòa giải ở cơ sở nhanh và hiệu quả. Chị Dương Thị Phương Tuyền, công chức Tư pháp – Hộ tịch thị trấn Long Phú cho biết : Thị trấn có 06 tổ hòa giải, với 30 hòa giải viên, để nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên, thị trấn thường xuyên cử các hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn, hội thi về : Luật hòa giải ở cơ sở, các quy định và Luật sửa đổi, bổ sung của Chính phủ, vận động hòa giải viên tự nghiên cứu, tìm tòi trên các phương tiện thông tin đại chúng; thành viên các tổ hòa giải thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kiến thức để không chỉ nâng cao năng lực trên kiến thức mà còn ở thực tế. Từ đầu năm đến nay, thị trấn đã cử 30 hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn do Phòng Tư pháp và UBND huyện tổ chức. Qua đó, góp phần hòa giải thành 27/34 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn.
Ông Phạm Thanh Liêm, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp II, thị trấn Long Phú chi sẻ : “ Là tổ trưởng của tổ hòa giải của ấp, tôi được tham gia các lớp tập huấn, Hội nghị do Phòng Tư Pháp huyện, thị trấn tổ chức và tự tìm tòi học hỏi để nâng cao hiểu biết của bản thân và áp dụng vào thực tế. Đối với mỗi hòa giải viên là người trực tiếp lắng nghe, giải quyết thắc mắc, đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở cơ sở, tôi luôn nêu cao tinh thần dân chủ và dựa trên cơ sở Pháp luật để hòa giải. Tuy nhiên, cũng phải khéo léo tuyên truyền, vận động và giải quyết theo tình làng, nghĩa xóm như vậy dân mới hiểu, tin và nghe theo. Điển hình như vụ việc viết đơn khiếu nại về trường hợp chăn nuôi gây mất vệ sinh môi trường của gia đình ông Thạch Hol tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động do đó đã hòa giải thành công bà con trong tổ rút đơn khiếu nại, gia đình ông Hol chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, vệ sịnh trong chăn nuôi. Ngoài ra, qua các mạng thông tin đại chúng như Facebook, Zalo nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó có hướng tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, bất cập tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, gây mất đoàn kết nội bộ trong Nhân dân.”
Với những việc làm thiết thực trong thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” đã từng bước nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, góp phần ngăn ngừa kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, giảm bớt những vụ việc phải đưa ra cơ quan xét xử, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.
Bài và ảnh: Sóc Ca.